Các nhà khoa học Đức đã thành công trong việc chế tạo một hệ thống mặt trời nhân tạo có thể tạo ra năng lượng tương đương với bức xạ của khoảng 10.000 mặt trời mà mặt đất nhận được trong thực tế.
Mặt trời nhân tạo có tên Synlight được chế tạo nhằm mục đích nghiên cứu các nhiên liệu thân thiện với môi trường bằng cách tách các ngyên tử hydro khỏi nước. Synlight được tạo ra bởi các nhà khoa học đến từ Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR) tại Juelich, Cologne, Đức.
Hệ thống bao gồm một dãy chứa 149 bóng đèn xenon, giống những chiếc đèn chiếu trong các rạp chiếu phim. Dãy đèn có hình dạng giống như một tổ ong khổng lồ, cao 13,7 mét, rộng 15,8 mét và công suất lên tới 350kW. Theo giám đốc DLR, Bernhard Hoffschmidt, nhiệt độ tạo ra dãy đèn có thể lên tới 3.000 độ C.
Hydro là một nguồn năng lượng sạch mà con người đang tìm kiếm nhằm giải quyết vấn đề khí thải carbon. Tuy nhiên, việc tạo ra hydro hóa lỏng yêu cầu rất nhiều quy trình phức tạp, đặc biệt là nguồn năng lượng để vận hành các nhà máy sản xuất hydro hóa lỏng. Đa số các nhà máy điện phân sản xuất hydro hiện nay đều cần nguồn năng lượng lớn, và năng lượng mặt trời là một giải pháp thay thế được quan tâm hơn cả.
Tuy nhiên, việc duy trì một hệ thống đèn công suất lớn như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Nếu không may có ai đó đi vào vùng chiếu sáng, họ có thể bị đốt cháy thành tro bụi. Đó là chưa kể chỉ trong 4 giờ vận hành, hệ thống đèn đã tiêu tốn lượng điện năng bằng một hộ gia đình sử dụng trung bình cả năm. Điều đó cũng có nghĩa, Synlight sẽ khó có thể ứng dụng thực tế để sản xuất hydro.
Mặc dù vậy, Synlight là một thiết bị rất hữu hiệu giúp các nhà khoa học có thể đánh giá các điều kiện nhiệt độ thích hợp để "thu hoạch" điện mặt trời hiệu quả hơn.